Buy Me A Coffee

Một số đề nghi cho việc làm khóa luận

Khởi tạo: 09/11/2024   Cập nhật: 10/11/2024   Phân loại: research   In trang nàyTrở lại trang chủ

Summary

Bài viết ghi lại một số đề nghị của tôi cho sinh viên (có thể sẽ làm việc với tôi) liên quan đến việc làm khóa luận tốt nghiệp ở bậc đại học. Chú ý rằng các đề nghị này thể hiện quan điểm cá nhân và kinh nghiệm (không nhiều lắm) của bản thân tôi. Do đó, chúng có thể không phù hợp với tất cả mọi người. Các bạn cũng có thể xem một số thông tin khác ở đây.

Khi làm việc với giảng viên hướng dẫn

Khi trao đổi qua email

  • Nên có tiêu đề email ngắn gọn thể hiện nội dung chính bạn muốn trao đổi, ví dụ như “Về việc đăng ký tên đề tài khóa luận”, v.v…
  • Nếu đây là lần đầu tiên bạn liên hệ với giảng viên qua email, nên tự giới thiệu đôi chút về bản thân (Bạn tên là gì, học lớp nào, v.v…)
  • Nên cố gắng trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc, ngắn gọn về chủ đề muốn trao đổi
  • Nếu có tệp đính kèm theo email thì nên giải thích một chút là tệp nào phục vụ cho mục đích nào, ví dụ như Bang_diem.pdf là bảng điểm của sinh viên, v.v…

Một số chú ý khác

  • Nên chủ động liên hệ giảng viên hướng dẫn nếu có vấn đề liên quan đến quá trình làm khóa luận
  • Nên chú ý tuân thủ các thời hạn cho các thủ tục giấy tờ cần thiết
  • Nên liên hệ với giảng viên sớm (tối thiểu là trước thời hạn từ 3-5 ngày) nếu cần ký xác nhận hoặc giấy tờ khác từ phía giảng viên
  • Nếu có thể, nên trình bày khóa luận bằng Tiếng Anh

Khi đọc một bài báo

  • Nên cẩn thận. Thậm chí ngay cả các bài báo đã xuất bản vẫn có thể có lỗi sai. Bạn cần nhớ rằng các tác giả và những người bình duyệt đều là người, và do đó họ đều có thể mắc sai lầm mà bản thân họ không biết. Có những chứng minh phải mất tầm 10 năm mới có người chỉ ra lỗi sai
  • Bài toán nghiên cứu ở đây là gì? Đầu vào là gì? Đầu ra là gì? Kết quả chính của bài báo là gì? Tại sao cần nghiên cứu cái này? Trước đó thì người ta đã làm những gì rồi?
  • Nên tìm hiểu và giải thích được các khái niệm cơ bản thông qua các ví dụ nhỏ
  • Trong chứng minh của một phát biểu cụ thể (Định lý, Bổ đề, v.v…), nên tìm hiểu xem đầu vào và đầu ra của phát biểu là gì? người ta sử dụng phương pháp gì (quy nạp, phản chứng, chia trường hợp, v.v…)? Để sử dụng phương pháp này, cụ thể người ta giả thiết cái gì và chứng minh cái gì?
  • Nên cẩn thận với các chỗ trong bài báo mà tác giả ghi là “It is trivial that …”, “Trivially, …”, “It is not hard to see …”, “Obviously, …”, v.v… Những phát biểu mà họ đưa ra sau đó có thể là không quá hiển nhiên
  • Thuật toán (nếu có) này chạy thế nào với một số đầu vào đặc biệt? Độ phức tạp là bao nhiêu?
  • Có thể sử dụng các công cụ AI như ChatGPT, chatpdf.com, v.v… để hỗ trợ quá trình đọc bài báo. Tuy nhiên, cần chú ý rằng các công cụ này có thể cho ra câu trả lời sai. Do đó, nên cẩn thận kiểm tra lại các kết quả xuất ra từ các công cụ này. Theo ý kiến của tôi, các công cụ AI như GitHub Copilot thể hiện rất tốt trong việc giải thích một đoạn mã hoạt động như thế nào. (GitHub cho phép bạn sử dụng miễn phí Copilot và nhiều dịch vụ khác nếu bạn là sinh viên.)

Khi thuyết trình

  • Nên có giải thích ngắn về các khái niệm cơ bản liên quan đến chủ đề đang trình bày
  • Nên có ví dụ bằng hình vẽ
  • Với một phát biểu cụ thể (Định lý, Bổ đề, v.v…), thay vì tập trung giải thích các kỹ thuật và bước chứng minh, nên tập trung giải thích ý nghĩa của phát biểu: Tại sao cái này cần thiết? Phát biểu này đóng vai trò gì trong toàn bộ bài báo?
  • Slides nên có đánh số trang. Không nên để cỡ chữ quá nhỏ. Trong một slides không nên để quá nhiều chữ. Nên sử dụng màu sắc để làm nổi bật các phần quan trọng
  • Không nên sao chép nguyên các nội dung từ bài báo vào slides. Nên sử dụng các gạch đầu dòng và ngôn ngữ của bản thân để giải thích lại các nội dung đó. (Điều này giúp bạn hiểu sâu hơn về nội dung bạn đang trình bày)
  • Nên chú ý đảm bảo các yêu cầu về thời gian trình bày. Không nên kết thúc quá sớm (ví dụ thời hạn là 15 phút nhưng bạn chỉ trình bày trong 5 phút) hoặc quá muộn (ví dụ thời hạn là 15 phút nhưng bạn trình bày trong 30 phút). Một cách căn giờ theo kinh nghiệm của tôi là trung bình khoảng 1 slides cần trình bày trong 1 phút. Nếu bạn có 15 phút thì bạn nên có khoảng 15-20 slides là vừa
  • Khi trả lời câu hỏi, nên cố gắng đi thẳng vào nội dung cần trả lời. Có chỗ nào không hiểu hoặc không nghe rõ thì hỏi lại để người hỏi làm rõ hơn câu hỏi của họ. Nếu không biết thì nên nói thẳng là không biết. (Điều này là bình thường. Không ai biết mọi thứ. Nhưng không nên là hỏi câu nào cũng đều không biết)
  • Có thể sử dụng các công cụ AI để hỗ trợ việc làm slides

Khi viết khóa luận

  • Nên dùng $\LaTeX$
  • Nên bắt đầu ngay từ sau khi xác định chủ đề muốn tìm hiểu. Xây dựng sẵn bố cục khóa luận. Ví dụ như:
    • Chương 1: Giới thiệu;
    • Chương 2: Định nghĩa và khái niệm cơ bản;
    • Chương 3: Thuật toán X
    • v.v…
  • Đọc đến đâu thì tóm tắt lại đến đó theo ý hiểu của bản thân mình. Điền các tóm tắt này vào vị trí thích hợp trong bố cục khóa luận đã xây dựng sẵn. Không nên dịch nguyên văn bài báo từ tiếng Anh sang tiếng Việt và đưa bản dịch đó vào khóa luận. (Chú ý rằng điều này rất quan trọng. Quá trình làm khóa luận là quá trình các bạn học tập chứ không phải quá trình các bạn dịch bài báo ra xong sao chép và dán vào khóa luận.)
  • Nên nhờ người khác (bạn bè, bố mẹ, giảng viên hướng dẫn, v.v…) đọc để xem có chỗ nào viết sai chính tả, sai lôgic, khó hiểu, trúc trắc, lủng củng, v.v… để sửa lại. Các thuật ngữ dịch ra tiếng Việt thì khi đề cập đến lần đầu tiên trong khóa luận nên có thêm tên tiếng Anh trong ngoặc để tiện tra cứu: ví dụ như đồ thị (graph), cạnh (edge), đỉnh (vertex), đường đi (path), v.v… Để thuận tiện thì tốt nhất là viết đến đâu nhờ góp ý đến đó
  • Không nên trích dẫn các nguồn tham khảo “không quá đáng tin cậy” như Wikipedia, blog post, v.v… Nên trích dẫn các tài liệu đã xuất bản như bài báo khoa học, sách, v.v… Các trích dẫn nên có sự thống nhất về mặt hình thức, ví dụ như tên sách/tạp chí luôn in nghiêng, tên bài báo đặt trong ngoặc kép, v.v… Trích dẫn sách/bài báo tiếng Anh thì nên để nguyên văn tiếng Anh
  • Nên kiểm tra khóa luận với các công cụ kiểm tra trùng lặp và đạo văn trên mạng. VNU có dịch vụ kiểm tra trùng lặp DoIT