Bài viết ghi lại một số phương pháp tải bài báo, sách đã xuất bản, và các tài liệu khoa học khác. Chú ý rằng một số phương pháp đề cập ở đây có thể bị coi là vi phạm bản quyền ở một số quốc gia. Do đó, bạn nên cân nhắc kỹ trước khi sử dụng các phương pháp này. Tôi không khuyến khích việc vi phạm bản quyền. Nếu bạn có thể truy cập tài liệu một cách hợp pháp thì nên làm như vậy. Những nhận xét về các phương pháp và dịch vụ này, nếu có, đều thể hiện quan điểm của cá nhân tôi.
Chú ý: Một số thông tin có thể không còn chính xác tại thời điểm bạn đọc bài viết này. Nếu bạn có đề xuất hoặc thông tin mới hơn thì hãy để lại ý kiến của bạn trong phần bình luận bên dưới bài viết này. (Để tránh spam, bạn cần đăng nhập tài khoản GitHub để có thể bình luận.)
Chú ý: Tôi không trả lời các bình luận có nội dung liên quan đến việc nhờ tải tài liệu.
Ở Việt Nam, có một số thư viện cho phép bạn đăng ký tài khoản và truy cập (một cách hoàn toàn hợp pháp) vào các nguồn tài liệu trực tuyến mà thư viện đó đã mua bản quyền. Một số nguồn mà tôi biết là như sau:
Thư viện khoa học và công nghệ Việt Nam (thuộc Cục Thông tin, Thống kê, Bộ Khoa học và Công nghệ) cung cấp dịch vụ Bạn đọc đặc biệt, cho phép cá nhân các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, giảng viên, sinh viên truy cập từ xa tới các công bố khoa học trong nước của các tác giả Việt Nam, đọc thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu các cấp được thực hiện bằng ngân sách nhà nước và tiếp cận hàng triệu kết quả nghiên cứu khoa học trên thế giới thông qua các cơ sở dữ liệu KH&CN quốc tế. Phí sử dụng dịch vụ hiện nay là 500.000 VND/tài khoản/năm. Bạn đăng ký dịch vụ bằng cách điền mẫu đăng ký, in ra, dán ảnh và đóng dấu giáp lai của cơ quan công tác, hoặc trường học, rối scan và gửi qua email đến địa chỉ bandoc@vista.gov.vn hoặc nộp trực tiếp ở Phòng Công tác bạn đọc, Thư viện KH&CN quốc gia, 24-26 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nếu bạn là sinh viên thì không cần xin xác nhận của cơ quan nhưng cần gửi kèm bản scan thẻ sinh viên. Sau khi có tài khoản thì đăng nhập ở https://db.vista.gov.vn. Một điểm hạn chế nhỏ của dịch vụ này là mỗi lần gia hạn thì họ cấp lại cho bạn username và mật khẩu mới chứ không thể gia hạn với username cũ. Một hạn chế khác là nếu bạn dùng trình duyệt Google Chrome thì nhiều khi trang tải bài báo (như Springer hoặc ScienceDirect) không tự động chuyển hướng sang EZProxy của thư viện. Nên dùng Firefox khi truy cập với tài khoản thư viện KH&CN thì tốt hơn.
Thư viện Đại học Quốc gia TP-HCM cũng có dịch vụ tương tự. Phí sử dụng dịch vụ cho đối tượng không thuộc ĐHQG-HCM là 180.000 VND/tài khoản/năm. Bạn có thể đăng ký tài khoản tại đây hoặc đến trực tiếp. Sau khi đăng ký tài khoản thì vào https://vnulib.edu.vn, chọn “Tài khoản thư viện”, sau đó đăng nhập và đổi mật khẩu. Để truy cập các cơ sở dữ liệu mà ĐHQG-HCM đã mua, vào https://my.openathens.net/, tìm kiếm và chọn tên trường “Vietnam National University Ho Chi Minh City” và đăng nhập bằng thông tin tài khoản mà bạn đã đăng ký. Một cách khác là ở trang web bạn cần tải tài liệu, chọn đăng nhập theo trường/viện nghiên cứu (institution login) hoặc tương tự và chọn tên trường “Vietnam National University Ho Chi Minh City”, sau đó đăng nhập bằng thông tin tài khoản mà bạn đã đăng ký.
Một chú ý là phần lớn các thư viện đều có quy định yêu cầu bạn chỉ tải các ấn phẩm phục vụ cho công việc của bản thân và không chia sẻ tài khoản cho người khác. (Chú ý rằng có các trang chia sẻ thông tin về username và password để đăng nhập online các thư viện khác nhau trên thế giới. Trong số này rất có khả năng có thông tin tài khoản của bạn, nếu bạn không cẩn thận khi sử dụng các tài khoản thư viện.)
Khi bạn chấp nhận tham gia bình duyệt một bài báo nộp cho tạp chí thuộc Elsevier, bạn sẽ được cấp quyền truy cập miễn phí các ấn phẩm của ScienceDirect và Scopus trong vòng 30 ngày. Thông tin về việc cấp quyền truy cập này thường được gửi kèm theo thông báo mời bạn tham gia bình duyệt. Thường thì bạn có thể nhận (claim) quyền truy cập này từ Reviewer Hub trong vòng 6 tháng kể từ khi chấp nhận bình duyệt. Bạn sử dụng quyền truy cập này bằng cách đăng nhập vào tài khoản Elsevier của bạn và ở góc trên cùng bên phải khi chọn “Sign in” thì sẽ thấy có lựa chọn “Complimentary Access ScienceDirect and Scopus for EM users” trong phần danh sách Organizations.
Nhiều nhà xuất bản khác cũng có các quy định tương tự, ví dụ như cung cấp mã giảm giá khi mua các ấn phẩm của nhà xuất bản hoặc khi nộp APC (Article Processing Charge) để xuất bản bài báo ở nhà xuất bản đó, cung cấp quyền truy cập miễn phí có thời hạn cho các ấn phẩm của nhà xuất bản, được quyền ưu tiên xử lý khi nộp bản thảo, v.v.. Bạn có thể tìm kiếm thông tin về các quy định này trên trang web của nhà xuất bản.
Một lựa chọn khác nếu như bạn không lấy được ấn phẩm đã xuất bản là tìm các ấn phẩm điện tử (e-print) của nó. (Thường có hai loại là tiền ấn phẩm (preprint - bản chưa được bình duyệt) và hậu ấn phẩm (postprint - bản đã sửa sau khi được bình duyệt).)
Kho lưu trữ được biết đến nhiều nhất có lẽ là arXiv và các trang tương tự khác như bioRxiv, ChemRxiv, PsyArXiv, SocArXiv, và HAL (Hyper Articles en Ligne). Các trang này cho phép bạn tải miễn phí các bài báo khoa học đã được xuất bản hoặc đang trong quá trình xuất bản. Tuy nhiên, không phải tất cả các bài báo đều có sẵn trên các trang này. Gần đây có các nền tảng khác như Preprints, Research Square, v.v.
Phần lớn các thư viện của các trường/viện nghiên cứu cũng lưu trữ các phiên bản ấn phẩm và tiền ấn phẩm của các tác giả thuộc trường/viện đó. Các phiên bản này thường xuất hiện trong danh mục các tài liệu nội sinh của thư viện và thường được chia sẻ công khai. Các danh mục này thường được xây dựng với DSpace hoặc Eprints và các tài liệu thường được gán chỉ số HDL (handle) hoặc chỉ số DOI. Nhiều tác giả thường chia sẻ một số phiên bản của bài báo/sách/ấn phẩm của họ ngay trên trang web cá nhân, blog (Wordpress), mạng xã hội (Twitter, Matsodon), v.v.
Nhiều hội thảo cũng có các tập tóm tắt (abstract book), kỷ yếu (proceedings), báo cáo kỹ thuật (technical reports) về các kết quả đã được trình bày tại hội thảo. Nhiều hội thảo cho phép truy cập kỷ yếu trong vòng một vài tháng sau khi hội thảo được tổ chức. (Theo tôi được biết thì phần lớn các hội thảo xuất bản kỷ yếu ở Springer thường cho phép điều này.) Các thông tin này, nếu có, phần lớn đều được công khai trên trang web của hội thảo.
Nếu bạn không có cách nào lấy được tài liệu mong muốn thì có thể liên hệ trực tiếp với tác giả. Theo kinh nghiệm của tôi thì hầu hết các tác giả đều rất vui lòng chia sẻ tài liệu của họ với bạn. Bạn có thể tìm thấy địa chỉ email của tác giả trong phần đầu hoặc cuối của bài báo. Nếu không tìm thấy thông tin thì bạn có thể thử tìm kiếm trên Google Scholar, ResearchGate, hoặc LinkedIn. Một nhược điểm của phương pháp này là có thể bạn sẽ phải chờ khá lâu nếu tác giả rất bận và không kịp phản hồi cho bạn (vì cũng giống như bạn, họ phải tập trung xử lý các công việc của họ trước) hoặc đơn giản là email của bạn rơi vào thư mục spam.
Có một số nguồn không chính thống mà bạn có thể sử dụng để tải tài liệu. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc kỹ trước khi sử dụng các nguồn này vì một số trong đó có thể vi phạm bản quyền ở một số quốc gia. Tôi không khuyến khích việc vi phạm bản quyền. Nếu bạn có thể truy cập tài liệu một cách hợp pháp thì nên làm như vậy. Nếu bạn thực sự cần và có điều kiện về mặt tài chính thì nên mua các tài liệu bạn cần.
Một vấn đề khác là có rất nhiều trang mạo danh một số nguồn không chính thống nổi tiếng như LibGen, Sci-Hub, Z-Library, v.v. để lừa đảo người dùng (ví dụ bằng cách cổ động người dùng donate để tăng tốc độ truy cập hoặc duy trì server, hoặc lừa dối để người dùng tải các mã độc hại trong khi nghĩ là tải sách, v.v.). Do đó, bạn nên cẩn thận.
Trang này đã có từ rất lâu và là một trong số các nguồn không chính thống đầu tiên mà tôi biết. Bạn có thể truy cập tại địa chỉ https://libgen.rs. Một số alias khác là http://libgen.is/ hoặc http://libgen.st/.
Một nguồn không chính thống phổ biến khác là Sci-Hub. Bạn có thể truy cập tại địa chỉ https://sci-hub.se. Một số alias khác là http://scihub.st/ hoặc http://scihub.ru/. Bạn có thể xem thông tin về các alias khác tại đây. Các trang này đã ngừng cập nhật bài báo mới từ khoảng năm 2022. Các bài báo có sẵn trong cơ sở dữ liệu của Sci-Hub có thể được tải miễn phí sử dụng URL có dạng https://sci-hub.se/<doi-id-của-bài-báo>
.
Một dịch vụ mới thay thế cho Sci-Hub của cùng tác giả (Alexandra Elbakyan) là Sci-Net (hiện tại đang trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu). Sci-Net yêu cầu một lượng nhất định $scihub meme coin (ít nhất 1000 coin SCIHUB, hiện tại tương đương với khoảng VND) để nhận mã mời, tạo tài khoản và yêu cầu tải bài báo. Xem thêm thông tin tại http://sci-net.xyz/invite. Tương tự như với Sci-Hub, các bài báo đã được người khác yêu cầu trước đó (không có trong cơ sở dữ liệu Sci-Hub) có thể được tải miễn phí sử dụng URL có dạng https://sci-net.xyz/<doi-id-của-bài-báo>
.
Nếu bạn đang sử dụng Telegram, hãy cân nhắc tham gia Kênh Sci-Hub và Nhóm Sci-Net. Nếu bạn đang sử dụng Reddit thì có thể theo dõi subrredit r/scihub.
Một nguồn không chính thống khác là Z-Library. Bạn có thể truy cập tại địa chỉ https://z-library.sk/, đăng ký tài khoản, và tìm hiểu các cách truy cập Z-Library khác. Có phần mềm cho cả Windows, Mac, và Linux. Tài khoản thông thường (Basic) có 10 lượt tải sách/bài báo mỗi ngày, và nếu bạn donate thì có thể tăng tài khoản lên hạng Premium (tốc độ tải nhanh hơn và có nhiều chức năng hơn).
Anna’s Archive tổng hợp cơ sở dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả LibGen, Sci-Hub, và Z-Library. Bạn có thể truy cập tại địa chỉ https://annas-archive.org/, https://annas-archive.se/, hoặc https://annas-archive.li/ và tìm hiểu thêm các thông tin về trang này. Thông thường tốc độ tải tài liệu từ đây khá chậm và nếu muốn tăng tốc thì bạn phải đăng ký thành viên bằng cách tiến hành donate.
Các trang này hoạt động dưới hình thức một forum, nơi bạn có thể đăng yêu cầu tải tài liệu (kèm theo một số điểm thưởng nhất định) và các thành viên khác sẽ giúp bạn tải tài liệu đó. Bạn có thể truy cập tại địa chỉ https://www.smartquantai.com/ và https://www.ablesci.com. Bạn có thể đăng nhập và check-in mỗi ngày hoặc tham gia hỗ trợ để nhận thêm điểm thưởng. Bạn cũng có thể donate một khoản tiền cho tác giả và nhận thêm điểm thưởng. AbleSci hiện tại chỉ có phiên bản tiếng Trung. Tôi biết đến AbleSci qua sự giới thiệu của Trịnh Văn Giang.
Ngoài ra nếu bạn dùng Reddit thì cũng có subrredit r/Scholar là nơi bạn có thể nhờ tải bài báo. Theo tôi biết thì có một số nhóm kín (private group) trên facebook mà bạn có thể tham gia để nhờ tải tài liệu. Tuy nhiên, tôi không biết rõ về các nhóm này nên không thể cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Nexus Search là một bot Telegram cho phép bạn tìm kiếm tài liệu khoa học từ nhiều nguồn khác nhau. Bạn có thể sử dụng @SciNexBot với Telegram để yêu cầu và tìm kiếm tài liệu thông qua tiêu đề, tác giả, số DOI, và từ khóa. Tương tự như với một số dịch vụ trước, bạn có một số điểm ban đầu để phục vụ yêu cầu tải tài liệu. Bạn có thể nhận thêm điểm bằng cách tham gia hỗ trợ. Bạn có thể gia nhập Kênh Ordo Nexus nếu đang sử dụng Telegram.
Các nguồn trên chủ yếu cung cấp tài liệu tiếng Anh và ít có tài liệu tiếng Việt. Bạn có thể mua bản scan của khá nhiều tài liệu tiếng Việt từ trang https://vietbooks.info/ bằng cách tìm kiếm tài liệu trên trang web và nếu có tài liệu mong muốn thì liên hệ tác giả trang web qua Zalo/Viber/Line theo thông tin trên đó và trả một khoản phí, thường là khoảng 50.000 VND/quyển, và yêu cầu chia sẻ tài liệu scan (thường là ở định dạng PDF) qua Google Drive. (Thư viện ĐHQGHN cũng cung cấp bản scan của nhiều cuốn sách, nhưng bạn chỉ xem được qua app VNU-LIC trên điện thoại. Điều này khá là bất tiện.) Một nguồn khác là TaiLieu.VN. Tuy nhiên, tôi vẫn đề nghị là nếu có thể mua sách giấy thì bạn nên mua để ủng hộ tác giả và nhà xuất bản.